CỎ MỰC
Cây thuốc bổ gan, trị..rắn cắn ?
::: Ds. Trần Việt Hưng :::
Cây cỏ mực – Nhọ nồi với nhiều dược tính quý
Cỏ mực, một cây thuốc Nam rất thông thường mọc hoang hầu như khắp nơi, hiện là một dược liệu đang được nghiên cứu về khả năng bảo vệ gan và trừ được nọc độc của một số loài rắn nguy hiểm.
Tại Ấn độ: Cỏ mực là một trong mười cây hoa bổ ích (Dasapushpam), đã được dùng trong các mỹ phẩm thoa tóc, bôi da từ thời xa xưa.. đồng thời làm nguyên liệu để lấy chất phẩm đen nhuộm tóc.
Tại Java: lá cây được dùng làm thực phẩm..
Cây cỏ mực được ghi trong các sách thực vật và dược liệu Âu-Mỹ dưới tên Eclipta alba , họ thực vật Compositae (Asteriacea). Tên đồng nghĩa là Eclipta prostrata. Sách của J. Duke (Handbook of Medicinal Herbs), Võ văn Chi (Từ điển Cây thuốc Việt Nam) đều ghi là 2 tên chỉ chung một cây, riêng sách của Đỗ tất Lợi lại cho là 2 cây khác nhau (?) : Eclipta alba được cho lá Cò nhọ nồi (Cò mực) còn Eclipta prostrata..lại cho là Cây cúc áo(?)
Đặc tính thực vật :
Cỏ mực, còn gọi là Cỏ nhọ nồi, thuộc loại thân thảo hằng niên, cao trung bình 0.2-0.4 m, có khi đến 0.8 m, mọc bò , hoặc có khi gần như thẳng đứng, có lông trắng cứng, thưa. Thân màu lục hay nâu nhạt hay hơi đỏ tía. Lá mọc đối, phiến lá dài và hẹp cở 2.5 cm x 1.2 cm. Mép lá nguyên hay có răng cưa cạn, hai mặt lá đều có lông. Hoa mầu trắng hợp thành đầu, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, có hoa cái bên ngoài và hoa lưỡng tính ở giữa. Quả thuộc loại bế quả cụt đầu, có 3 cạnh màu đen dài chừng 3mm
Cỏ mực trong Dược học dân gian :
Cỏ mực đã được dùng rất phổ biến trong dân gian tại Ấn độ, Pakistan, Việt Nam, Trung Hoa và các Quốc gia vùng Nam Á.
1- Tại Ấn Độ :
Cỏ mực được dùng trị sói đầu, nấm lác đồng tiền, thuốc nhuộm tóc và trị gan, lá lách phù trướng; sưng gan-vàng da và làm thuốc bổ tổng quát. Cây cũng được dùng trị ho, chảy máu miệng, ăn khó tiêu, choáng váng, chữa đau răng, giúp lành vết thương..Rễ dùng gây nôn mửa, xổ. Lá giã nát đắp trị vết cắn do bò cạp.
2- Tại Pakistan :
Eclipta alba, được gọi tại Pakistan là Bhangra, bhringaraja, được dùng trong dân gian dưới nhiều dạng. Cây tươi được dùng làm thuốc bổ chung, giúp giảm sưng gan và lá lách, trị bệnh ngoài da, trị suyễn, khi dùng trị bệnh gan liều nước sắc sử dụng là 1 thìa cà phê hai lần mỗi ngày; cây giã nát, trộn với dầu mè được dùng để đắp vào nơi hạch sưng, trị bệnh ngoài da..Lá dùng trị ho, nhức đầu, hói tóc, gan và lá lách sưng phù, vàng da.
3- Tại Trung Hoa :
Eclipta prostrata , hay Mò hàn lian : Lá được cho là giúp mọc tóc. Toàn cây làm chất chát cầm máu, trị đau mắt, ho ra máu, tiểu ra máu; đau lưng, sưng ruột, sưng gan, vàng da.. Lá tươi được cho là có thể bảo vệ chân và tay nông gia chống lại sưng và nhiễm độc khi làm việc đồng-áng, tác dụng nãy theo Viện Y học Chiang-su là do ở thiophene trong cây.
4- Tại Việt Nam :
Cỏ mực được dùng trị xuất huyết nội tạng như ho ra máu, xuất huyết ruột, chảy máu răng, nướu, lợi ; trị sưng gan, sưng bàng quang, sưng đường tiểu trị mụn nhọt đầu đinh, bó ngoài giúp liền xương. Cách dùng thông thường là dùng khô, sắc uống; khi dùng bên ngoài lá tươi đâm nát đắp nơi vết thương. Thợ nề dùng cỏ mực vò nát để trị phỏng do vôi.
Thành phần hóa học :
Cỏ mực chứa :
– Các glycosides triterpene và Saponins : 6 glycosides loại oleanane : Eclalbasaponins I-VI ( 2 chất mới ly trích được năm 2001 được tạm ghi là XI và XII) , Alpha và Beta-amyrin , Ecliptasaponin D Eclalbatin.
– Các Flavonoids và Isoflavonoids : Lá và đọt lá chứa Apigenin, Luteolin và các glucosides liên hệ. Toàn cây chứa các isoflavonoids như Wedelolactone, Desmethylwedelolactone, Isodemethylwedelolac tone, Strychnolactone
– Aldehyd loại terthienyl : Ecliptal ; L-terthienyl methanol; Wedelic acid.
– Sesquitepne lactone : Columbin.
– Các sterols như Sitosterol, Stigmasterol..
– Các acid hữu cơ như Ursolic acid, Oleanolic acid, Stearic acid, Lacceroic acid ; 3,4-dihydroxy benzoic acid; Protocateuic acid..
Đặc tính dược học :
1. Tác dụng chống sưng-viêm :
Trích tinh Eclipta alba, khi thử nghiệm trên các thú vật bị gây sưng phù cấp tính và kinh niên, cho thấy khả năng ức chế sự sưng đến 58.67 % (Journal of Research and Education in Indian Medicine Số 9-1990). Nơi chuột, dung dịch trích bằng nước-alcohol ức chế làm giảm được phản ứng gây ra bởi acid acetic đến 35-55 % khi dùng liều uống 200 mg/kg. Bột lá Eclipta alba dùng liều uống (1500 mg/kg) có tác dụng chống sưng hữu hiệu (ức chế đến 47.7%) so sánh với indomethacin (ức chế được 51%) : Dược thảo có hiệu năng mạnh hơn vào giai đoạn thứ 2 của tiến trình sưng viêm, nên có lẽ hoạt động bằng ức chế sự tạo prostaglandins và kinins (Fitoterapia Số 58-1987)
2. Tác dụng bảo vệ gan :
Trích tình Cỏ mực bằng ethanol: nước (1:1) đã được nghiên cứu trong thử nghiệm tác hại nơi gan gây ra bởi tetrachloride Carbon ( thử nơi chuột) ghi nhận trích tinh tão được sự bảo vệ gan bằng cách giúp điều hòa nồng độ của các men có liên hệ đến việc biến dưỡng thuốc nơi ty thể gan. (Journal of Ethnopharmaco logy Số 70-2000) Eclipta alba còn có hoạt tính mạnh hơn khi dùng phối hợp với Cây Chó đẻ (Phyllanthus niruri) và Curcumin (từ Nghệ) theo tỳ lệ 25:15:10 (P.niruni : E. alba : Curcumin). Nồng độ lipid cao trong gan và bilirubin trong huyết thanh sụt giảm và trở về mức bình thường. Hỗn hợp này làm tăng mức độ triglyceride trong máu, tăng tiền chất-beta-lipoproteins và cholesterol. Trích tinh bằng ethanol từ cây E. alba tươi cho thấy một tác dụng bảo vệ gan đáng kể (tùy thuộc vào liều sử dụng) trong các trường hợp hư gan do CCl4 gây ra nơi chuột thử nghiệm, không thấy dấu hiệu ngộ độc dù cho dùng đến 2 gram/ kg ở cả dạng uống lẫn chích qua màng phúc toan (Phytothera py Research Số 7-1993). Thử nghiệm nơi chuột bạch tạng ghi nhận tác dụng bảo vệ gan xẩy ra từ liều 100mg/ kg.
Các hiệu ứng bảo vệ gan của dịch chiết bằng nước đông khô cũng được nghiên cứu trong các trường hợp sưng gan cấp tính gây ra nơi chuột nhắt bằng 1 liều CCl4 hay acetaminophen và nơi chuột nhà bằng beta-D-galactosamin : Kết quả cho thấy có tác dụng ức chế đáng kể trong phản ứng tạo sự tăng transaminase trong máu gây ra bởi CCl4 nơi chuột nhắt và galactosamine nơi chuột nhà, nhưng không có hiệu ứng trong trường hợp hư hại gan do acetaminophen.
3. Tác dụng làm hạ huyết áp :
Hổn hợp polypeptides của E. alba có tác dụng hạ huyết áp nơi chó. Columbin, trích từ dịch chiết toàn cây bằng ethanol cho thấy khả năng hạ huyết áp rõ rệt nơi chuột đã bị gây mê.
4. Khả năng trung hòa tác dụng của nọc rắn :
Nghiên cứu tại ĐH Universidade Federal do Rio de Janeiro (Ba tây) (1989) ghi nhận dịch chiết bằng ethanol cúa E.alba có khả năng trung hòa các hoạt tính nguy hại (đến gây chết người) của nọc độc loài rắn chuông Nam Mỹ (Crotalus durissus terrificus). Các mẫu dịch chiết tương đương với 1.8 mg trích tinh khô dùng cho mỗi chuột thử có thể trung hoà được đến 4 liều nọc độc gây tử vong (LD 50 = 0.08 micro gram nọc/ g thú vật : Dịch chiết Eclipta ức chế được sự phóng thích creatinine kinase từ bắp thịt của chuột khi tiếp xúc với nọc rắn thô. (PubMed – PMID : 2799833).
Một nghiên cứu khác, cũng tại Ba tây (1994) , khảo sát các tác dụng chống độc tính của nọc rắn trên bắp thịt và chống chảy máu, của 3 chất trong thành phần Cỏ mực : wedelolactone, WE; stigmasterol, ST và sitosterol, SI. Thử nghiệm dủng nọc độc của các loài rắn lục Bothrops jararacussu, Lachesis muta.., độc tố tinh khiết hóa bothrops toxin, bothropasin và crotoxin..Sự hữu hiệu được đo lường bằng tốc độ phóng thích creatine kinase từ cơ bắp chuột.. Kết quả cho thấy (in vitro) độc tính trên bắp thịt của nọc rắn crotalid và các độc tố tinh khiết đều bị trung hòa bởi WE và dịch trích Cỏ mực (EP), cả WE lẫn EP đều ức chế tác dụng gây chảy máu của nọc Bothrops, ức chế tác dụng của men phospholipase A2 trong crotoxin, và tác dụng ly giải protein của nọc B.jararaca.(PubMed – PMID 8079371)
Cỏ mực trong Đông Y cổ truyền :
Đông Y cổ truyền gọi Cỏ mực là
Hạn Liên Thảo (Han Lian Cao), hay Mặc Hạn Liên. (Nhật dược gọi là Kanrensò) Dược liệu là toàn cây thu hái vào đầu mùa thu. Cây mọc hoang tại các vùng Giang Tây, Triết Giang, Quảng Đông.. được cho là có vị ngọt/ chua, tính mát ; tác dụng vào các kinh mạch thuộc Can, Thận.
Han Lian Cao có những tác dụng :
– Dưỡng và Bổ Âm-Can và Âm-Thận: dùng trị các chứng suy Âm Can và Âm Thận với các triệu chứng choáng váng, mắt mờ, chóng mặt, tóc bạc sớm ; thường dùng phối hợp với Nữ trinh tử (Nu zhen zi= Fructus Ligustri lucidi) .
– Lương Huyết và Cầm máu (Chỉ huyết) : trị các chứng Âm suy với các triệu chứng chảy máu do ‘Nhiệt’ tại Huyết như ói ra màu, ho ra màu, chảy máu cam, phân có máu, chảy màu tử cung và tiểu ra máu. Để trị tiểu ra máu cỏ mực được dùng chung với Mả đề (Xa tiền thảo=Che qian cao (Plantaginis) và Rễ cỏ tranh (Bạch mao căn= Bai mao gen (Rhizoma Imperatae); để trị phân có máu, dùng chung với Địa du= di yu (Radix Sanguisorbae); để trị ói ra màu, dùng chung với Trắc bách diệp xấy khô = Ce bai ye (Cacumen Biotae)..
Tài liệu sử dụng :
- Major Herbs of Ayurveda (E. Williamson)
- Chinese Herbal Medicine Materia Medica (D. Bensky)
- Medicinal Plants of China (J Duke & Ed Ayensu)
- Medicinal Plants of India and Pakistan ( J.F Dastur)
- Oriental Materia Medica (Hong-Yen Hsu)
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam (Võ văn Chi)